Ngày 09/7/2024, chư tôn đức lãnh đạo Ban Hoằng pháp TW GHPGVN và Ban Kinh tế tài chính TW GHPGVN đã trở về Hạ trường chùa Đống Lân (tỉnh Cao Bằng) để thăm hỏi, động viên và cúng dường 12 vị Tăng Ni hành giả đang an cư nơi đây.
Phái đoàn do Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ - Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban thường trực Ban Hoằng pháp TW làm trưởng đoàn. Đi cùng đoàn còn có Thượng tọa Thích Tâm Hoan - Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban Kinh tế tài chính TW GHPGVN; Thượng tọa Thích Tâm Thuần – Phó Ban Hoằng pháp TW; Thượng tọa Thích Thanh Phương - Ủy viên HĐTS, Ủy viên thường trực Ban Hoằng pháp TW GHPGVN; Đại đức Thích Trí Thuần - Phó thư ký, Chánh văn phòng Ban Hoằng pháp TW GHPGVN khu vực phía Bắc; Ni sư Thích Tịnh Quán - Thủ quỹ Ban Hoằng pháp TW GHPGVN. Tháp tùng phái đoàn còn có chư Tôn đức Tăng Ni lớp Đào tạo Giảng sư khu vực phía Bắc, quý Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa Đồng Xuân, Đạo tràng chùa Sủi và Đạo tràng Mật Tông.
Tại đây, phái đoàn hai Ban đều cúng dường tiền mặt cùng gạo, dầu, đường, lạc, ruốc nấm, chè sen Hồ Tây,…
Trân trọng đón tiếp phái đoàn có: Thượng tọa Thích Thanh Đường - Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban thường trực BTS GHPGVN tỉnh Cao Bằng, Thủ tọa Hạ trường cùng chư Tôn đức hành giả an cư.
Tại buổi đón tiếp, Đại đức Thích Tâm An – Đại diện Ban chức sự Hạ trường đã báo cáo quá trình tu học của Hạ trường chùa Đống Lân. Theo đó, năm nay Tăng Ni trong tỉnh tổ chức hậu an cư từ 16/5 đến ngày 16/8 âm lịch. Hạ trường nhất tâm cung thỉnh Hòa thượng Thích Gia Quang – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban thông tin truyền thông TW, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Cao Bằng đương vi ngôi Đường chủ; Thượng tọa Thích Thanh Đường - Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban thường trực BTS GHPGVN tỉnh Cao Bằng đương vi ngôi Thủ tọa Hạ trường. Mùa an cư năm nay, Hạ trường tiếp tục khai giảng bộ Phật Học Phổ Thông của Cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa nhằm đưa những giáo lý căn bản của Đạo Phật phổ cập tới quần chúng nhân dân, đồng bào nơi vùng cao.
Gặp gỡ chư Tăng Ni, Phật tử trường hạ chùa Đống Lân, Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ đã bày tỏ niềm hoan hỷ khi được chứng kiến sự phát triển đổi mới và khởi sắc của Phật giáo tỉnh Cao Bằng, chư Tôn đức đã cố gắng dấn thân phụng sự, hoằng dương Phật pháp, duy trì được hình bóng của ngôi Tăng Bảo trên vùng đất địa đầu của Tổ quốc. Hơn hết, Phật tử tỉnh Cao Bằng đã có sự sinh hoạt tu tập đi vào nề nếp, khi hàng ngày đều trở về chùa thính pháp văn kinh, hộ trì chư Tăng Ni an cư. Thượng tọa thay mặt Ban Hoằng pháp và Ban kinh tế Tài chính TW mong chư Tăng Ni tỉnh nhà chân cứng đá mềm, nỗ lực dấn thân phụng sự để mảnh đất Cao Bằng sẽ ngày càng phát triển hơn nữa cả về chất lượng và số lượng, với nhiều hoạt động Phật sự lợi đạo ích đời, đem ánh sáng Phật đà phổ cập nhân gian khiến bà con đồng bào vùng sâu vùng xa có cơ hội được biết đến Đạo Phật và tu học theo chính pháp.
Sau khi đại diện Phật tử dâng lời tác bạch cúng dường Trường hạ, Thượng tọa Thích Thanh Đường đã xúc động tri ân phái đoàn “Cao Bằng có thể nói là vùng phên dậu của Tổ quốc, đường đi xa xôi vất vả, nhưng vì chúng sinh, vì Phật pháp, vì tình đồng đạo mà chư Tôn đức Ban Hoằng pháp và Ban Kinh tế Tài chính TW cùng phái đoàn đã không ngại khó khăn lên thăm và động viên Tăng Ni, Phật tử Hạ trường chùa Đống Lân”.
Đồng thời, Thượng tọa cũng ôn lại những ngày đầu thành lập Phật giáo tỉnh Cao Bằng từ năm 2005 khởi nguồn từ công lao to lớn và sự hi sinh dấn thân của Hòa thượng Thích Gia Quang – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban thông tin truyền thông TW, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Cao Bằng. Trong suốt quãng thời gian dài từ năm 2005 đến năm 2018, BTS Phật giảo tỉnh nhà mới chính thức có Hạ trường. Trải qua xuyên suốt thời gian 19 năm ròng rã, đất Cao Bằng từ con số 0 của Phật giáo, cho tới nay đã có bóng dáng của người xuất gia. Nhờ sự quan tâm của Trung ương Giáo hội, sự dấn thân hi sinh của chư Hòa thượng và chư Tăng Ni, tới nay đã có 12 hành giả an cư tại Hạ trường chùa Đống Lân.
Thượng tọa tin tưởng rằng dưới sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Giáo hội, cùng sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và sự nhất tâm đồng lòng của Tăng Ni Phật tử Phật giáo tỉnh nhà, BTS tỉnh Cao Bằng sẽ cố gắng để xây dựng Phật giáo phát triển, giúp Phật tử có định hướng rõ ràng, đi theo chính pháp của Đạo Phật, góp phần xây dựng GHPGVN phát triển vững mạnh trong lòng dân tộc.
Nhân dịp này, Thượng tọa Thích Thanh Phương và Đại đức Thích Trí Thuần đã có buổi chia sẻ Phật pháp cho nhân dân Phật tử nơi đây.
Thượng tọa Thích Thanh Phương đã nhắc lại lịch sử hình thành tỉnh Cao Bằng, phát xuất từ thế kỷ XVI – XVII, thời nhà Mạc trong quãng thời gian ngắn cai trị đất nước. Để từ đó, Thượng tọa nhấn mạnh Tổ tiên Việt Nam ta đã dày công hi sinh đặt nền móng xây dựng để mở rộng bờ cõi, bảo vệ biên cương đất nước cũng như bảo vệ những giá trị văn hóa tinh thần giúp nhân dân có được đời sống hạnh phúc, yên bình. Qua đó, Thượng tọa nhấn mạnh trách nhiệm của một người Phật tử, một người con của tỉnh Cao Bằng phải có trách nhiệm gìn giữ và phát huy những giá trị mà cha ông đã để lại trên mảnh đất này, cùng chung tay xây dựng để đưa Phật giáo tỉnh Cao Bằng nói riêng và đời sống của tỉnh nói chung ngày càng phát triển hơn nữa.
Với bài chia sẻ của mình, Đại đức Thích Trí Thuần đã xây dựng niềm tin vững chắc cho hàng Phật tử với ngôi Tam Bảo dựa trên nguyên tắc giữ gìn 5 giới cấm và 3 phép quy. Qua trích dẫn kinh điển, Đại đức giảng sư giải thích cho hàng Phật tử hiểu rõ Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di là những người gần gũi với ngôi Tam Bảo, để tham gia công việc duy trì Phật pháp, hoằng dương chính pháp và hộ trì chư Tăng Ni yên tâm tu tập hành đạo. Ưu Bà Tắc (thiện nam tử) và Ưu Bà Di (thiện nữ nhân) đều là những người có đức tin và gửi gắm cuộc đời của mình nương tựa vào Tam Bảo, để sống đời thiện lành, tỉnh thức.
Đại đức Giảng sư sách tấn Người Phật tử là đệ tử Phật đều phải có tâm niệm dù bất cứ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào đều phải nhớ mình là con của Phật, là thiện nam tử, thiện nữ nhân, phải giữ Lời nói Thiện - Việc làm Thiện và Suy nghĩ Thiện để ba nghiệp được thanh tịnh, xa lìa những điều xấu ác. Đặc biệt phải giữ bồ đề tâm kiên cố, xây dựng và bảo vệ Phật pháp ngày càng phát triển, hộ trì chư Tăng Ni làm những việc Phật sự mang lại lợi lạc cho quần chúng nhân dân, góp phần phát triển xã hội ngày càng tốt đẹp.
Diệu Tường